Những thời khóa biểu kín mít, những buổi chạy xô học thêm tại các “lò luyện”, những bữa cơm ăn vội trên yên xe máy, những ngày cuối tuần vùi đầu trong bài tập..., tất cả chỉ để đạt được mục tiêu của phụ huynh là con luôn là học sinh giỏi, được học bổng, đỗ vào ĐH danh tiếng. Ước mơ của nhiều bậc cha mẹ đang “giết chết” tuổi thơ của nhiều đứa trẻ.

Đừng đo cuộc đời con bằng điểm số

Cái chết thương tâm của nam sinh lớp 10E3 Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) vào hồi tháng 4 vừa qua đã khiến mọi người cảm thấy đau đớn, xót xa. Cơ quan công an có thu giữ một quyển sổ tay của nam sinh, trong đó có hai bức thư từ biệt, một bức thư gửi cho ba mẹ và một bức gửi cho các bạn trong lớp. Nội dung trong hai bức thư có nói đến áp lực học tập và áp lực từ gia đình mong muốn em có điểm số tốt hơn. Được biết, kết quả thi học kỳ 1 vừa qua, điểm trung bình của C. đạt 8,9 điểm, trong đó một số môn có điểm số rất cao như Tin học 10, Vật lý 9,5, Lịch sử 9,6, Địa lý 9,1...

Đầu tháng 1-2018, ai cũng cảm thấy thương xót khi đọc lá thư tuyệt mệnh trước khi tìm đến cái chết bằng cách treo cổ trong chính lớp học của nữ sinh T.T.P.L, học sinh lớp 7A, Trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Cô bé được thầy, cô giáo, bạn bè nhận xét là một học sinh ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại hai bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn trong lớp được nữa. Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy, cô giáo.

Trước đó, em Đ.T.T.T, 16 tuổi, ngụ xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập - Bình Phước là học sinh lớp 11B, Trường THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cũng đã chọn cách lao mình xuống đập nước để kết thúc cuộc đời. Sau cái chết đầy uất ức của em, gia đình phát hiện em để lại năm lá thư tuyệt mệnh, trong đó có hai lá thư gửi cho bố mẹ, còn lại gửi cho bạn bè. Trong thư em cũng nói đến lý do ra đi vì kết quả học tập không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ, của chị.

Sự việc trên khiến dư luận không khỏi xót xa và làm cảnh tỉnh nhiều phụ huynh phải nhìn lại đối với trường hợp con em của mình. Từ sự việc đáng tiếc này, nhiều ý kiến chia sẻ rằng, học giỏi là một điều rất tuyệt vời nhưng học làm người tử tế mới là quan trọng nhất. Có rất nhiều con đường để đến đích, người lớn chúng ta đừng áp đặt con mình phải đi con đường giống “con nhà người ta”.

Không nên áp đặt con mình phải giỏi toàn diện

Thành tích học tập của con là điều mà phụ huynh nào cũng kỳ vọng, mong muốn con mình học giỏi, để sau này thành đạt, có địa vị trong xã hội. Nhưng phụ huynh lại không quan tâm đến mong muốn thực sự của con dẫn đến việc con bị áp lực.

Bản thân học sinh cần phải được vui chơi, giải trí sau những giờ học căng thẳng để giải tỏa tâm lý, áp lực. Nhưng sau khi tan trường, các con lại bị bố mẹ bắt đưa đến những “lò” học thêm. Áp lực đó đối với học sinh cuối cấp lại càng lớn, vì phải thi chuyển cấp hay quan trọng nhất là kỳ thi đại học đối với học sinh lớp 12.

Trong nhiều trường hợp, học là tiền để một người có thể thành công trong cuộc sống, nhất là thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi mà khoa học là ưu tiên hàng đầu của sự phát triển. Nguồn nhân lực phải giỏi mới đáp ứng được nhu cầu của phát triển. Nhưng để một con người có thể thành công trong sự nghiệp thì niềm đam mê, ước muốn của cá nhân sẽ thúc đẩy sự thành công đó và đôi khi học hành trong một số trường hợp chưa chắc đã làm nên sự thành công.

Vì thế một học sinh để có kiến thức, nhân cách, ứng xử, sức khỏe… thì việc học trên ghế nhà trường là chưa đủ. Dù có nhiều kiến thức nhưng khả năng ứng xử kém, sức khỏe giảm sút do ít vận động, không biết phân biệt điều tốt - xấu hoặc các tệ nạn xã hội để né tránh... Muốn học sinh phát triển toàn diện phải để cho các em hòa nhập với cộng đồng, được trải nghiệm cuộc sống.

Nếu phụ huynh ép con học quá nhiều sẽ làm đầu óc căng thẳng, có thể gây rối loạn tâm lý, trầm cảm hoặc đôi khi sẽ tìm đến những điều cực đoan để giải thoát như sự việc đáng tiếc nêu trên.

Xin kết bài bằng những chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền: “Thực chất mỗi cá nhân chỉ có thể có năng lực ở một vài lĩnh vực nhất định và thêm vào đó không phải tất cả các em đều giống nhau. Vì vậy không thể và không bao giờ chỉ có một mô hình giáo dục cho tất cả. Một nền giáo dục toàn diện không phải là đào tạo ra những cá nhân toàn diện mà nó phải cung cấp các cơ hội để có thể phát triển toàn diện các năng lực của mỗi học sinh.”

*Nguồn: egroup.vn

Cẩm nang tuyển sinh 2022

Cập nhật nhanh nhất những thông tin bổ ích xoay quanh hai kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi THPT Quốc Gia 2022
Asset 5