Nghị luận xã hội, dạng bài nghị luận về những sự việc hiện tượng trong đời sống hay nghị về một tư tưởng đạo lí nổi tiếng, đây là một dạng bài học sinh sẽ gặp nhiều trong đề kiểm tra và đề thi.

Thầy Nguyễn Phi Hùng – giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI  chia sẻ đối với dạng bài nghị luận xã hội, học sinh thường gặp khó khăn trong việc tìm ra luận điểm, dẫn chứng sao cho logic và phù hợp với yêu cầu đề bài. Nhằm nâng cao kỹ năng nghị luận xã hội của học sinh, thầy Hùng sẽ chia sẻ bí quyết để học sinh đạt điểm tuyệt đối khi làm dạng bài này.

Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn học sinh Kỹ năng nghị luận xã hội

Kiến thức học sinh cần nắm vững về nghị luận xã hội

Nghị luận xã hội là một kiểu bài văn nghị luận, yêu cầu người viết trình bày suy nghĩ quan điểm, tư tưởng về một vấn đề xã hội nào đó. Để bộc lộ suy nghĩ quan điểm, tư tưởng của bản thân, học sinh cần trình bày bài làm với đầy đủ luận đề, luận điểm, luận cứ và lập luận.

Thầy Hùng nhắc lại kiến thức về nghị luận xã hội

Theo chia sẻ của thầy Hùng, dạng bài nghị luận xã hội thường gặp sẽ được viết theo yêu cầu hình thức và theo nội dung. Nếu bài nghị luận được viết theo yêu cầu hình thức thì có hai dạng chính, đó là: viết bài văn nghị luận và viết đoạn văn nghị luận. Khi bài nghị luận được viết theo nội dung, học sinh sẽ gặp ba dạng chính như: nghị luận về một tư tưởng đạo lí, nghị luận về một vấn đề đời sống và nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học.

Các bước làm bài giúp học sinh thành thạo kỹ năng nghị luận xã hội

Chỉ với bốn bước đơn giản, học sinh đã có thể đạt điểm cao khi làm bài văn nghị luận xã hội khó nhằn.

Bước 1: Tìm hiểu đề

Trước khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề để xác định xem đề bài yêu cầu nghị luận về vấn đề gì. Sau khi xác định chính xác vấn đề cần nghị luận thì học sinh có thể dễ dàng tìm được phạm vi nghị luận (phạm vi học sinh có thể tìm dẫn chứng).

Bước 2: Lập dàn ý

Đây là bước quan trọng, giúp học sinh hình thành hệ thống luận điểm chính xác, hợp lý và logic. Tuy nhiên, học sinh luôn bỏ qua bước này vì lý do bước này quá dài hoặc bản thân cảm thấy không cần thiết.

Thầy Hùng hướng dẫn học sinh lập dàn ý cho bài văn nghị luận xã hội

Bước 3: Viết bài

Dựa vào dàn ý được lập ở trên, học sinh có thể dễ dàng triển khai ý cho từng luận điểm mà không sợ sót hay thiếu những luận điểm quan trọng. Đặc biệt, học sinh chú ý khi làm bài, mỗi luận điểm cần được viết thành một đoạn văn để bài văn nhìn hệ thống hơn và người chấm hay người đọc có thể nhanh chóng nhận ra từng luận điểm.

Bước 4: Đọc và sửa chữa

Sau khi viết xong bài, học sinh cần đọc lại để xem mình còn bỏ sót luận điểm nào không hay có sai lỗi chính tả không tránh mất điểm vì những lý do đáng tiếc. Do đó, khi bắt đầu làm một bài văn nghị luận, học sinh cần phân bố thời gian hợp lý cho từng phần để có thể đạt điểm tuyệt đối với dạng bài tập này.

Trên đây là một số lưu ý giúp học sinh nâng cao kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội. Hi vọng những hướng dẫn của thầy Nguyễn Phi Hùng sẽ giúp học sinh dễ dàng chinh phục dạng bài  này, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi.

 

Cẩm nang tuyển sinh 2022

Cập nhật nhanh nhất những thông tin bổ ích xoay quanh hai kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi THPT Quốc Gia 2022
Asset 5