Công việc tư vấn tuyển sinh năm nay, tôi bắt gặp vài điểm sáng đầy hi vọng trong góc nhìn của phụ huynh học sinh lớp 9 lên 10 hay những em đang học cấp 3, những tín hiệu dù nhỏ nhoi và ít ỏi nhưng mang đến cho tôi nhiều tia hi vọng và động lực. Đó là dấu hiệu của “sơ cứu tinh thần”, vì bản thân tôi cũng từng là một cậu bé trầm cảm và tự kỷ.

 

Nguyễn Lân Dũng
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân

Gần đây, tôi được mời nói chuyện về kỹ năng sống tại
các trường phổ thông trung học. Tôi thường hỏi các em:
“Học để làm gì?”. Số đông đều nói học để vào đại học,
như bố mẹ em mong.

(Nguồn: VNExpress)

 

Đó là câu chuyện của một bà mẹ đến nói với tôi rằng chị ấy đang đấu tranh với cả gia đình dòng tộc để bảo vệ con. Cụ thể là cháu năm nay đậu nguyện vọng 1 ở một trường chuyên, nhưng cháu có dấu hiệu trầm cảm và áp lực nặng, chị cảm thấy con đường học tập ở cấp 3 không nhất thiết phải cứ vào trường chuyên lớp chọn và nhất quyết ủng hộ con trong việc chuyển trường để bảo vệ tuổi thơ và tinh thần của cháu.

Hay chuyện của một gia đình cả ba mẹ đều ủng hộ cho con chuyển trường chỉ sau 1 tuần học ở 1 trường cấp 3 dân lập để chuyển sang một trường trung cấp. Phụ huynh nói với tôi rằng, suốt năm lớp 9, có thể do áp lực thi cử và học tập tôi thấy cháu ít cười hơn, trầm ngâm và có dấu hiệu xuống tinh thần. Chúng tôi cảm nhận rõ tình hình không có dấu hiệu tích cực hơn sau 1 tuần cháu đi học lớp 10 dân lập. Trò chuyện với con, chúng tôi hiểu rằng, mình cần tìm một môi trường phù hợp chứ không phải là theo sách vở thuần túy. Thay vì lại áp đặt ngôi trường mới cho cháu, chúng tôi cùng cháu đi tìm hiểu nhiều mô hình học khác nhau và để con mình tự chủ trong quyết định của mình. Tìm được mô hình học ưng ý cho cả cháu và gia đình, chúng tôi thật hạnh phúc khi tìm thấy lại nụ cười của con, và quan trọng hơn, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình là bạn của con thật sự.

 

Nhưng còn lại là đại đa số các em trong trạng thái cô đơn, lạc lõng..

Ngược lại với 2 câu chuyện đó, có rất nhiều bạn học sinh đã kết bạn Zalo với tôi để được tư vấn tâm lý và thi cử, những cô cậu học sinh tôi chưa từng gặp, các bạn đều tỏ ra rất áp lực cuộc sống và gần như đều nói với tôi rằng ít nhất đã từng một lần nghĩ đến việc “tự vẫn”. Nghe những lời các bạn, tôi thật sự rất lo lắng, vì chính tôi đã chứng kiến 1 sự việc “đã diễn ra” rất đau buồn của 1 cô bé thi không đậu vào công lập ngay sát cạnh nhà tôi. Việc của tôi là cố gắng làm bạn với các bạn, trò chuyện trên trời dưới đất để động viên tinh thần và giúp các bạn mạnh mẽ hơn, đúng là sinh ra ở cái tuổi 15,16 ở Việt Nam là không hề dễ dàng. Tôi tự hỏi rằng có bao nhiêu người lớn chúng ta thực tâm tìm hiểu để cảm nhận được điều đó.

Đằng sau câu chuyện ấy, tôi thấy những hình bóng bé nhỏ đang cô đơn. Một chủ nhân tương lai của đất nước đang bế tắc.

Hình như chúng ta, bao gồm cả tôi, cũng ít quan tâm thực sự đến lớp trẻ, hay nói cụ thể hơn chính là những đứa con của mình. Sau những cuộc đua chọn trường điểm lớp chọn cô giáo giỏi là coi như xong trách nhiệm. Nhiệm vụ "giáo dục các cháu" được chuyển sang phía ngành giáo dục vốn cũng đang bộn bề những cải cách chương trình, đổi mới sách giáo khoa với đầy bất cập về con người. Còn chúng ta, các bậc làm cha làm mẹ thì chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát và đổ lỗi... 

Chúng ta đang trải qua một giai đoạn đầy biến động về đời sống văn hoá-xã hội. Trong 2 thập kỷ qua, nền kinh tế tập trung bao cấp đã được thay bằng nền kinh tế thị trường; sách vở đã thay bằng điện thoại thông minh; những luồng văn hoá từ khắp nơi du nhập vào; những tư tưởng mới được truyền bá;... Khoảng cách thế hệ vì thế giãn nở nhanh hơn. Những bậc phụ huynh gần như không có kinh nghiệm về những gì con mình đang trải nghiệm. Học hành cũng khác, giải trí khác, mà quan hệ bạn bè đồng lứa cũng khác. Chưa kể đến những hình mẫu kiểu "Bảnh", "Thánh chửi" nhan nhản trên mạng xã hội...
 

11% – 69% trẻ lo âu bị trầm cảm và 15% – 75% trẻ trầm cảm bị rối loạn lo âu

Trong một bài báo tôi đọc được trên trang web của Bệnh viện Tâm thần TP HCM thì nghiên cứu của các học giả trên thế giới cho thấy, số trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm tiếp tục gia tăng, với ước lượng cứ 20 trẻ thì có một cháu bị bệnh này. Trầm cảm và lo âu trong số trẻ em và thanh thiếu niên thường là bệnh phối hợp; ước tính khoảng 11% – 69% trẻ lo âu bị trầm cảm và 15% – 75% trẻ trầm cảm bị rối loạn lo âu. Hơn 50% trẻ đang bị trầm cảm sẽ tái phát trầm cảm lúc trưởng thành, nên cần chẩn đoán và điều trị sớm.

Những số liệu khoa học cho thấy, bệnh trầm cảm tăng ở lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ tự tử ở tuổi "ăn chưa no lo chưa tới" này cũng gia tăng theo chiều thẳng đứng. Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần, tâm lý xã hội còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng. Đã thế, ngay cả những dịch vụ "nặng" này cũng độ bao phủ thấp. 

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, bác sĩ về chuyên khoa tâm thần nhi cũng rất ít ở Việt Nam. Chính vì vậy những nghiên cứu chuyên sâu về chẩn đoán điều trị cho tâm thần nhi hiện nay rất hạn chế.
Cộng với sự thờ ơ của một bộ phận không nhỏ các bậc làm cha làm mẹ, sự cô đơn của những đứa trẻ ngày một lớn hơn. Con cái chúng ta khi rời trường học đã không còn những kết nối thực trong cuộc đời. Lớp kỹ năng sống hay những khóa tu chỉ như việc điền vào chỗ trống của các bậc cha mẹ trong ngày hè. Còn thì nhìn chung, các bậc cha mẹ, đặc biệt là ở thành thị đang phó mặc con mình cho "ông" YouTube hay Tik Tok, Cartoon Network...

Cần có những hành động ngay!

Mải kiếm sống, thiếu quan tâm con cái, cha mẹ dường như đang dần tuột khỏi vòng tay con cái một cách lặng lẽ. Và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề đó bằng lực lượng hành pháp hay là y tế? Hay là cần một thái độ khác cho cuộc giãn nở thế hệ nhanh chóng mặt này? 

Đâu rồi niềm vui trẻ thơ khi đến trường? Đâu rồi niềm vui dạy học khi đứng lớp? 

Hỏi vậy thôi chứ chính tôi cũng đang vật vã tìm câu trả lời cho bản thân. Phải ứng xử sao với chính con cái của mình?

Chỉ còn vài ngày nữa là Kỳ tuyển sinh 2020 sẽ khép lại, những tư duy mới trong việc chọn trường cho con, những sự lắng nghe và quyết định thay đổi đúng đắn cần thiết cần được thực hiện ngay.

Nhóm Cẩm Nang Tuyển Sinh của tôi có rất nhiều bạn tâm huyết trong giáo dục, luôn dành thời gian để trò chuyện và định hướng học tập cho các em. 

Để chat tư vấn với Cẩm nang Tuyển sinh, Các bạn có thể sử dụng 2 phương thức sau:

Chat Bằng Facebook:

https://www.facebook.com/chuongtrinhcamnangtuyensinh

Chat trực tiếp trên website:
Nhấp vào icon có hình này   ở góc phải màn hinh để bắt đầu trò chuyện ngay.

Để lại lời nhắn và câu chuyện của bạn, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và đưa ra những chia sẻ tốt nhất.

 

 

Cẩm nang tuyển sinh 2022

Cập nhật nhanh nhất những thông tin bổ ích xoay quanh hai kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi THPT Quốc Gia 2022
Asset 5